Mới đây, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank; UPCoM: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, báo lỗ sau thuế hơn 4,6 tỷ đồng, ở cùng kỳ năm 2022 nhà băng này báo lãi 95 tỷ đồng.
Theo đó, riêng quý IV/2023, PGBank chỉ thu được gần 348 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ giảm đến 60%, chỉ còn hơn 10 tỷ đồng lãi, do giảm thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm 32% (còn 22 tỷ đồng).
Nếu như hầu hết các ngân hàng đều có lãi, thì PGBank bất ngờ báo lỗ trong quý IV/2023. Ảnh: Internet
Hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư cùng báo lỗ. Cụ thể, các hoạt động kinh doanh sụt giảm dẫn đến lợi nhuận thuần từ kinh doanh giảm 49%, chỉ còn gần 87 tỷ đồng. Thêm vào đó, Ngân hàng dành ra hơn 91 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng (+75%), do đó lỗ gần 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi trước thuế gần 119 tỷ đồng.
Theo giải trình của PGBank, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm chủ yếu do Ngân hàng giảm lãi vay cho khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng của PGBank tập trung vào tháng cuối năm 2023.
Ngoài ra, PGBank chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, làm cho chi phí hoạt động dịch vụ tăng.
Điểm sáng hiếm hỏi trong báo cáo tài chính đợi này là chi phí hoạt động của PGBank trong quý IV/2023 giảm nhẹ 1,93% so với cùng kỳ, xuống còn 254 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PGBank đạt 55.495 tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng tăng tới 21,6%. Trước đó vào cuối quý III/2023, tổng tài sản của ngân hàng từng giảm 2,4% so với đầu năm, còn cho vay khách hàng mới chỉ tăng 4,9%.
Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2023 của PGBank là 906 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3 lần, nợ nghi ngờ gấp 2 lần đầu năm, trong khi nợ có khả năng mất vốn sụt giảm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 2.56%.
Với kết quả này, so với kế hoạch lãi trước thuế 530 tỷ đồng đặt ra cho năm 2023, PGBank chỉ thực hiện được 67% mục tiêu.
Trước đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) chính thức được đổi tên thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank).
Để đổi tên, PGBank đã xin ý kiến cổ đông về việc đổi tên thương mại và được chấp thuận. Nguyên nhân là do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex.
Hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn tại PGBank và Petrolimex đã yêu cầu PGBank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023.